Từ lâu, các loại lẩu cay như lẩu Tứ Xuyên, hay lẩu cay Trùng Khánh đã là cái tên gây bão khắp bản đồ ẩm thực không phải chỉ ở địa hạt Trung Quốc mà đã lan sang cả các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu tìm kiếm những gói gia vị hoặc nước dùng nấu sẵn nêm nếm hoàn chỉnh của những món lẩu cay trứ danh đang ngày một tăng cao.
Mới đây, một Fanpage trên Facebook đã đăng tải đoạn clip ghi lại cận cảnh quá trình và dây chuyền sản xuất gia vị lẩu cay Trùng Khánh nêm sẵn. Nhanh chóng, video này nhận về tới hơn 59k reactions, 3,8k bình luận cùng hơn 4,4k lượt chia sẻ. Đa phần, ai cũng phải “nổi da gà” khi chứng kiến dây chuyền cũng như nguyên liệu, số lượng gia vị làm nên món ăn công phu này. Hãy cùng tham khảo cách những doanh nghiệp đang sản xuất mặt hàng gia vị nêm nếm hoàn chỉnh sản phẩm lẩu cay Trùng Khánh ứng dụng các loại gia vị, hương liệu trong dây chuyền công nghiệp thế nào.
Nguyên liệu được dùng trong sản xuất:
- Bơ
- Ớt trái khô xắt nhuyễn
- Hành hoa, hành củ, tỏi.
- Nghệ lát
- Đậu bóc vỏ lên men
- Ớt cánh 4-5mm
- Hoa tiêu
- Bia
- Bạch đậu khấu
- Quế thanh
- Sa nhân
- Địa liền
- Hương quả
- Thảo quả
- Đại hồi
- Lá nguyệt quế
- Rượu hương liệu
- Đường phèn
Đầu tiên, người ta sẽ cho đủ 300kg bơ vào nồi và đun cho tới khi chảy thành dầu. Sau đó tiếp tục đổ hỗn hợp dầu sôi vào ớt hiểm đã xắt nhuyễn rồi đảo đều tay.
Tiếp theo, đầu bếp sẽ cho cả hành hoa, hành củ và tỏi vào chảo dầu đang sôi chiên cho vàng rồi vớt ra.
Tiếp tục thả 40kg nghệ lát vào nồi, rồi thêm đậu đã bóc vỏ lên men vào tiếp tục đun.
Công đoạn khiến người xem “sởn da gà” nhất chính là cho 150kg ớt cánh 4-5mm cùng cả rổ tiêu khổng lồ vào nồi hỗn hợp đang sôi sùng sục.
Có một nguyên liệu bí mật mà ít người biết cũng xuất hiện trong món lẩu Trùng Khánh chính là… bia tươi.
Tiếp tục cho vào thau lớn hỗn hợp các loại gia vị và thảo mộc như: Bạch đậu khấu, vỏ quế, sa nhân, địa liền, hương quả, thảo quả, đại hồi, lá nguyệt quế. Sau đó đổ rượu hương liệu vào ngâm rồi cho tất cả vào nồi lẩu đang sôi.
Ngoài ra, người ta còn cho thêm vào đường phèn nhằm giảm độ cay nồng, làm nồi lẩu dịu hơn.
Sau khi đun kỹ hỗn hợp cho có độ sánh nhất định, người ta bắt đầu đóng gói 200g nước lẩu và 800g dầu vào mỗi bịch, sau đó tất cả sẽ được cho vào kho lạnh và chờ đông lại thành hình.
Sau tất cả, những gói lẩu đông lạnh này được cung cấp cho các nhà hàng, quán xá bán món lẩu Trùng Khánh. Khi ăn chỉ cần cho từng khối hỗn hợp này vào nồi nước đang sôi và chờ nó tan ra.
Nồi lẩu Trùng Khánh thường được dùng kèm với đậu phụ, thịt bò, gà, lợn, cá, hải sản, các loại nấm, củ sen, rau, giá đỗ,… Khi ăn, chỉ cần nhúng các nguyên liệu này vào để chúng thấm được vị cay đậm đà của nước lẩu.