Tại Việt Nam, đại hồi được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng,.. và trở thành sản vật quý hiếm tại những vùng đất này. Với đặc tính thơm, ấm, hồi được sử dụng và chế biến đa dạng. Hồi có thể được bảo quản với dạng hoa hồi khô, xay thành dạng bột hay đặc chế thành tinh dầu. Đại hồi được sử dụng như một loại dược liệu, gia vị, mỹ phẩm,… Đại hồi có hương thơm đặc trưng với tác dụng khử khuẩn, tăng cường sức đề kháng.
Rất nhiều đầu bếp đã sử dụng đại hồi khi nấu ăn bởi mùi thơm đặc trưng, ngoài ra, tại một số vùng quê nước ta còn có món chè kho được nấu từ đậu xanh và đường, rất cần một ít đại hồi cho hương vị thêm đậm đà. Bột hồi có thể làm gia vị hầm, nướng rất hấp dẫn, nhất là món nướng, bởi mùi thơm đặc trưng, tăng sự kích thích cho món ăn. Loại bột gia vị này cũng dùng trong tẩm ướp thực phẩm, giúp khử mùi tanh.
Một số món ăn dùng gia vị đại hồi nổi tiếng phải kể đến:
Thịt bò nướng bột hồi
Để làm món thịt bò nướng bột hồi, bạn hãy thái lát mỏng thịt bò phi lê vừa ăn. Rang thơm và giã nhuyễn hoa hồi. Ướp thịt với hoa hồi, nước tương, mật ong, hạt nêm, bột ngọt, tiêu, dầu ăn và nước cốt dừa, khoảng 20 phút cho thịt ngấm đều gia vị. Xiên bò vào que rồi nướng vàng mặt. Rưới mỡ hành lên trên và dùng nóng với rau sống.
Bò kho
Đối với món bò kho truyền thống, đại hồi là một gia vị không thể thiếu giúp món ăn có mùi vị đặc trưng, hấp dẫn. Nguyên liệu chuẩn bị: Nạm bò, đại hồi, quế, ngũ vị hương, tỏi, sốt cà chua, sả, cà rốt.
Thái thịt bò vừa miếng và ướp bò với bột tỏi, muối, bột ngũ vị hương khoảng 15-30 phút cho gia vị ngấm đều vào thịt bò. Cho dầu vào nồi và thả tỏi băm, sả, hoa hồi, quế vào đảo qua cho dậy mùi. Cà chua thái lát mỏng cho vào và xào qua cùng thịt bò đã ướp
Cho nước vào hầm thịt bò với lửa nhỏ trong 1 tiếng. Khi thịt chuẩn bị mềm, cho cà rốt vào đun cùng. Nêm thêm muối (nước mắm) cho vừa khẩu vị. Thêm nước bột năng vào và khuấy đều cho sánh
Tắt bếp và thưởng thức cùng rau thơm bao gồm: hành lá, rau mùi, rau ngổ,…
Đại hồi được cho là “tinh thần” của món ăn này, giúp thịt bò dậy mùi và tạo hương vị đặc trưng không thể thiếu.
Cánh gà om
Với món cánh gà om thì tuyệt đối không thể quên hoa hồi. Cánh gà sau khi rửa sạch, dùng khăn thấm khô, sau đó dùng dao sắc khứa để cánh gà vừa đẹp vừa nhanh ngấm gia vị. Dùng chổi phết một lớp dầu ăn thật mỏng lên chảo, rồi cho cánh gà vào, rán sơ vàng đều hai mặt.
Gắp để riêng ra đĩa. Trải một lớp cọng hành lá lên chảo vừa rán cánh gà, xếp cánh gà lên trên. Lần lượt cho hoa hồi, gừng thái miếng, quế đập dập, ớt bột, đường, nước tương, hạt tiêu… và bắt đầu rim với lửa nhỏ đến khi nước sền sệt.
Phở bò
Trong những món ăn sử dụng đại hồi để kích thích cảm quan, cũng như tăng thêm hương vị cho món ăn mà không kể đến phở bò thì thật thiếu sót. Khi nấu nước dùng phở truyền thống, đầu bếp chỉ cần thả 3-5 quả hồi vào nước xương, tạo mùi thơm rất đặc trưng, hấp dẫn. Sử dụng đại hồi cùng với thảo quả nấu phở bò sẽ cung cấp cho món ăn vị cay nhè nhẹ cùng với mùi thơm nồng tinh tế. Đại hồi có vị ngọt dịu như cam thảo, góp phần tạo nên vị nước dùng phở thơm ngon khó quên. Những cánh hồi tuy nhỏ bé nhưng đã góp phần tạo nên hương vị nồng nàn quyến rũ của nước dùng phở.
- Xem thêm: Cách nấu phở với gia vị chuẩn Hà Nội
Tại Việt Nam, khá dễ để tìm những sản phẩm được điều chế từ đại hồi. Đại hồi khô và bột hồi có thể tìm thấy rộng khắp ở các chợ đầu mối, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước. Ở bất cứ nơi nào, loại gia vị này cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng tầm ẩm thực. Nghiên cứu của Trung tâm Anderson (thuộc Đại học Texas MD, Mỹ) chỉ ra rằng, hoa hồi không chỉ đem lại hương thơm và hương vị ngọt ngào đặc trưng cho món ăn nhờ chất anethole mà còn có tác dụng giảm viêm, sưng tấy rất tốt. Tuy đem lại mùi vị quyến rũ cho món ăn nhưng hoa hồi cần sử dụng ở mức vừa phải, để không làm lấn át nguyên liệu chính của món.